Bí Quyết Viết CV Ấn Tượng

Sinh viên mới ra trường cầm tấm bằng đại học trên tay để xin việc thì không khó, nhưng để được nhận vào làm việc ở công ty mình thích, ở nơi có tiềm năng phát triển và có đãi ngộ tốt thì lại không hề dễ dàng.

Một công ty tốt sẽ được nhiều ứng viên tài năng để mắt tới. Vì thế, cơ hội sẽ không mỉm cười với những ứng viên có CV không ấn tượng. Đừng quá lo lắng, dù chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng các em vẫn hoàn toàn có thể chinh phục những nhà tuyển dụng khó tính. Hãy tham khảo ngay 5 bí quyết viết CV ấn tượng sau:

1. Bí quyết viết CV ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên

Hãy tự thiết kế hoặc chọn các mẫu CV có bố cục rõ ràng, không quá nhiều chữ, thiết kế đẹp, giúp nhà tuyển dụng khó tính cảm thấy thoải mái và chỉ cần nhìn lướt qua là có thể tìm ngay được các thông tin muốn tìm. Ngoài ra, thiết kế CV với màu chủ đạo trùng với màu thương hiệu của công ty mà các em ứng tuyển cũng là một bí quyết viết CV ấn tượng.

Nêu bật những thế mạnh của mình bằng cách in đậm chúng lên, hoặc sử dụng màu chữ, màu nền khác với các phần còn lại. Nếu điểm trung bình cao hoặc tốt nghiệp loại giỏi, các em hãy in đậm thông tin đó. Nếu có các kỹ năng mà công việc yêu cầu, đừng quên liệt kê vào CV và làm cho chúng thật nổi bật. Tất nhiên, nếu các em từng đi làm thêm các công việc liên quan tới vị trí ứng tuyển thì nhớ đặt chúng ở vị trí đắc địa nhất trong CV nhé.

2. Không sai lỗi chính tả khi viết CV

Lỗi chính tả không chỉ thể hiện chúng ta bị sai kiến thức Tiếng Việt, mà nhà tuyển dụng khó tính còn dựa vào đó để đánh giá rằng các em cẩu thả, không cẩn thận, không đầu tư, trau chuốt cho CV và không nghiêm túc muốn làm việc tại công ty của họ.

Bên cạnh đó, không ít nhà tuyển dụng lo ngại rằng với sự không cẩn thận này thì khi đi làm, các em sẽ dễ mắc phải các lỗi khác, khiến họ suốt ngày phải theo sát và xử lý lỗi cho các em, chẳng hạn như hợp đồng giá trị 10 triệu mà lại ghi nhầm thành 100 triệu, thật là tai hại. Vì thế, với các công việc yêu cầu sự chính xác, tỉ mỉ như kế toán, tài chính thì CV sai lỗi chính tả sẽ bị loại ngay lập tức.

3. Viết CV với đầy đủ thông tin cần thiết

Để quyết định xem CV của các em có đủ yêu cầu để được đi tiếp vào vòng trong hay không, đa số nhà tuyển dụng khó tính sẽ cần xem qua các thông tin sau đây:

-    Thông tin chung: Ảnh cá nhân (lịch sự), vị trí ứng tuyển, họ tên, điện thoại, email, địa chỉ. Ngoài ra, nếu công việc có giới hạn độ tuổi thì các em cần bổ sung thêm thông tin ấy.

-    Học vấn: Tên trường và năm mình tốt nghiệp là điều bắt buộc. Nếu các em có điểm trung bình không cao hoặc học lực không tốt thì có thể không ghi ra. Trong phần này, các em cũng có thể ghi thêm điểm TOEIC/IELTS hoặc các khoá học, chứng chỉ chuyên ngành (liên quan đến công việc) mà mình đã đạt được.

-    Kỹ năng: Các em nên liệt kê các kỹ năng mà trong mô tả công việc yêu cầu và mình cũng có các kỹ năng đó (không được ghi gian dối vì trong lúc phỏng vấn nhà tuyển dụng sẽ có các câu hỏi tình huống để xác thực các kỹ năng mà các em đã ghi). Lưu ý rằng chỉ nên chọn lọc và liệt kê 4-5 kỹ năng thôi, không nên ghi ra quá nhiều, và mỗi kỹ năng cần có thang đo đặt ở kế bên để đánh giá xem kỹ năng nào mạnh hơn (chỗ này hơi trừu tượng nhỉ, để dễ hiểu hơn thì các em có thể vào group Tự Tin Vào Đời, anh có sửa sẵn các CV mẫu ở trong đấy).

-    Kinh nghiệm: Phần này các em cần liệt kê theo thứ tự từ hiện tại về quá khứ vì nhà tuyển dụng quan tâm nhất tới các công việc gần đây nhất của mình nên chúng cần được đặt ở trên cùng. Ngoài ra, các em cần thể hiện được là khi làm ở vị trí đó thì mình đóng góp được gì cho công ty cũ, nếu có các số liệu minh hoạ nữa thì sẽ rất tuyệt. Ví dụ: Đạt thành tích best seller trong tháng 1/2020 với doanh thu 100 triệu. 

-    Một số thông tin bổ sung (ngắn gọn): Sở thích (tích cực, liên quan tới công việc), mục tiêu, thành tựu (giải thưởng trong các cuộc thi thời sinh viên hoặc chứng nhận nhân viên xuất sắc ở công ty cũ) và người tham khảo (tức là người mà công ty có thể liên hệ để kiểm tra những điều ghi trong CV hoặc hỏi thêm thông tin về các em, đó có thể là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hướng dẫn làm khoá luận hoặc sếp ở các chỗ làm cũ).

4. Không dài dòng, lan man chính là bí quyết viết CV ấn tượng 

Nhiều sinh viên mới ra trường lầm tưởng rằng bí quyết viết CV ấn tượng chính là viết càng dài càng tốt. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Hãy ghi nhớ rằng không phải mình có bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu kỹ năng thì sẽ liệt kê ra hết. Các em chỉ chọn lọc các kinh nghiệm, kỹ năng có liên quan đến công việc thôi. Vì nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc một CV dài thật dài đâu. Ngoài ra, đọc một CV mà có quá nhiều nội dung không liên quan tới công việc sẽ khiến họ khó chịu, họ sẽ nghĩ em không phù hợp với công việc (vì trong CV có xuất hiện nhiều kỹ năng, kinh nghiệm không liên quan). Ngoài ra, họ cũng sẽ đánh giá em là một người đang rải CV, gửi cùng 1 CV cho rất nhiều nhà tuyển dụng và cũng không chịu dành thời gian tìm hiểu kỹ vị trí mình đang ứng tuyển để viết nội dung CV cho phù hợp.

Độ dài tối ưu của CV là 1-2 trang (tốt nhất là 1 trang). Đối với sinh viên thì thường sẽ không bị mắc lỗi CV dài dòng vì các em chưa có nhiều kinh nghiệm để ghi trong CV. Nhưng các em vẫn có thể mắc lỗi lan man, tức là liệt kê ra cả những thông tin không cần thiết, không liên quan tới công việc như anh đã nói ở trên. Nên các em cần lưu ý tối ưu lại CV cho từng vị trí, từng công ty khác nhau mà mình ứng tuyển nhé.

5. Đừng quên sự chuyên nghiệp khi viết CV

Để đảm bảo sự chuyên nghiệp và làm đúng theo bí quyết viết CV ấn tượng, các em cần lưu ý tránh những lỗi sai nho nhỏ như:

-    Quên sửa vị trí ứng tuyển (xảy ra khi ứng tuyển nhiều công ty, nhiều vị trí khác nhau nhưng quên sửa lại cho đúng).

-    Sai năm sinh (thường mọi người hay ghi nhầm thành năm 2020 thay vì năm sinh của mình).

-    Email không chuyên nghiệp (email chuyên nghiệp thường sẽ là họ tên và năm sinh của mình, nếu chưa có một email như thế thì các em nên tạo ngay bây giờ).

-    Chèn link facebook, instagram vào CV (đây là các trang mạng xã hội cá nhân, không liên quan đến công việc, các em không nên chèn vào, trừ khi các em ứng tuyển vào các vị trí liên quan đến tryền thông mạng xã hội và muốn nhà tuyển dụng vào tham khảo các bài viết cá nhân hay ho của mình).

-    Không ghi số điện thoại của người tham khảo (vậy thì làm sao nhà tuyển dụng liên hệ với người tham khảo được), trong trường hợp các em ngại việc số điện thoại của người tham khảo bị lan truyền trên mạng (vì họ thường là người giữ chức vụ cao) thì ngay từ đầu các em có thể không ghi thông tin này vào CV. Sau buổi phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng cần liên hệ người tham khảo thì lúc này các em cho thông tin cũng được.

-    Không lưu CV dưới dạng PDF (so với Word, lưu dưới dạng PDF sẽ giúp tránh tình trạng lỗi Font chữ hoặc lệch bố cục như xuống dòng không đúng ý mình, khiến CV thay vì 1 trang lại nhảy thành 2 trang,… khi mở lên ở các thiết bị khác nhau).

Nguồn: https://tutinvaodoi.vn/bi-quyet-viet-cv-an-tuong-de-chinh-phuc-nha-tuyen-dung-kho-tinh/
 

Liên hệ quảng cáo
PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên
Địa chỉ: 56 Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức, TP.HCM
E-mail: quanhedoanhnghiep@hub.edu.vn
Điện thoại: (028) 38971633