Tổng hợp các mô hình hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh và sinh viên
Vì mình ngày xưa cứ đi và mò mẫm, không có cái nhìn bao quát để định hình trước những chương trình nên tham gia. Do vậy, mình rất mong bài viết này có thể giúp các em đang sắp vào Đại học hay đang học Đại học có bức tranh tổng quan về các loại hình ngoại khóa.
Thường các em mới vào đại học sẽ khó hệ thống được, nếu không có ai nói trước với các em. Và mình ở đây, sẽ chia sẻ với các em về những điều đó. Bản thân mình đã tham gia tất cả loại hình này, và tất cả đều giúp mình phát triển rất nhiều. Thật sự biết ơn quãng thời gian 4 năm thanh xuân khó quên đó.
Lưu ý:
Bài tổng hợp có thể chưa đầy đủ tất cả những chương trình hiện có. Có thể còn nhiều hoạt động khác chưa được đề cập tới, hay trong tương lai có thể xuất hiện thêm loại hình mới (mình sẽ cập nhật thêm khi có thông tin nhé).
Mình không muốn giới hạn các em tham gia bất cứ loại hoạt động nào, bởi vì mình nghĩ nếu muốn, các em cứ khám phá để biết mình phù hợp, không phù hợp ở đâu? Dù sao đây là quãng thời gian tốt nhất để thử và sai. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải tham gia hết tất cả thì mới được. Hiểu bản thân mình đang muốn gì để có lựa chọn phù hợp và tránh mất thời gian.
Có thể tìm thông tin chương trình ngoại khóa ở đâu?
Từ website, fanpage, email của khoa, trường: đối với các chương trình liên kết giữa trường Việt Nam và trường nước ngoài, các bạn thường nhận được thông báo từ khoa, trường (đặc biệt các chương trình thực tập, giao lưu quốc tế…). Bạn nhớ cố gắng giữ các kênh liên lạc với khoa và trường để không bỏ lỡ cơ hội tốt.
Từ giới thiệu của thầy cô, các anh chị cùng câu lạc bộ, các anh chị cựu sinh viên, bạn bè: vì một số thầy cô được phép giới thiệu sinh viên phù hợp đến một số chương trình (giảng viên làm việc nhiều với sinh viên, lời giới thiệu từ giảng viên thường sẽ rất uy tín, nên rất được các chương trình ưa chuộng). Các anh chị cựu sinh viên, thành viên sinh hoạt cùng câu lạc bộ, hoặc bạn bè cũng có thể chia sẻ những chương trình phù hợp đến bạn. Cứ mạnh dạn chia sẻ với thầy cô, bạn bè để họ biết về mong muốn của bạn; khi có chương trình phù hợp, họ sẽ giới thiệu đến bạn nhé.
Từ Internet – Fanpage, Group Facebook, Ybox, Youtube,…: đây là nguồn thông tin dồi dào, rất nhiều chương trình được truyền thông trên Facebook, Ybox; các bạn có thể like, hoặc chọn chế độ see first các tổ chức mình quan tâm để nhận thông tin ngay từ họ (mình sẽ liệt kê các tổ chức bên dưới để bạn tham khảo).
Các mô hình hoạt động ngoại khóa
1. Tổ chức thanh niên/ Câu lạc bộ/ Đoàn, Hội sinh viên:
Tổ chức thanh niên/ Câu lạc bộ: giống như một xã hội thu nhỏ vậy; xã hội thực có lĩnh vực gì thì đều có CLB, tổ chức liên quan đến lĩnh vực đó: Nghệ thuật, Tình nguyện, Tiếng Anh, Thể thao, Giao lưu quốc tế, Học thuật, Tài chính, Chứng khoán, Khởi nghiệp, Kỹ năng sống, Khoa học, Công nghệ, STEM, …
Đoàn/ Hội sinh viên: luôn có trong tất cả các khoa, trường; theo mình biết thì Đoàn, Hội sẽ giữ vai trò định hướng hoạt động, quản lý CLB và tổ chức các chương trình, phong trào thanh niên nha.
Phạm vi tổ chức: trong khoa, trường, liên trường, khu vực, toàn quốc
Một số tổ chức: trước hết các bạn nên tìm kiếm CLB, tổ chức, đoàn hội trong khoa, trường trước (điều này còn tùy thuộc vào trường đang theo học nên bạn cần tự tìm hiểu thêm về khoa trường 1 chút); ngoài ra còn có tổ chức nổi bật khác như AIESEC, TedX (TedxUSSH, TedxRMIT, TedxNguyenHueStreet, …), CLB International Youth Club – IYC Vietnam, Youth Sustainable Development – YSD, …
2. Cuộc thi:
Chủ đề cuộc thi: cũng rất là đa dạng từ hùng biện, khởi nghiệp, marketing, tài chính, nhân sự, luật, công nghệ, business cases, cho đến sắc đẹp.
Có rất rất nhiều sân chơi để các bạn thử thách, tùy theo lĩnh vực bạn tò mò, muốn phát triển, hay dựa trên điểm mạnh của mình, … Chẳng hạn:
Các cuộc thi thuyết trình, hùng biện thường xuyên được tổ chức bởi các câu lạc bộ như Say to Succeed – Nói để thành công, STEP – English Speaking Club – BUH, Star Awards, The English Club – EFFI, Irec Cool (Khoa Quan hệ quốc tế – USSH), …
Ứng viên tài năng – HRC FTU, Talent Generation – UNESCO-CEP, CMO Think&Action – Margroup, Young Marketers, StartUp Zone, Hult Prize Competition, Start up Wheet – BSSC, The Logisticom – RMIT Business Club, Business Analyst Champion – RMIT Accounting Club, Unilever Future Leaders’ League, Doanh nhân tập sự – Action Club, …
Phạm vi tổ chức: trong khoa, trường, liên trường, khu vực, toàn quốc, quốc tế đều có đủ cả
Cần chuẩn bị gì: bạn nên tìm hiểu trước thời gian tổ chức cuộc thi, cách thức thi để có sự chuẩn bị từ sớm, đến lúc đủ “chín” rồi tham gia sẽ có lợi thế hơn; hoặc có thể hỏi thêm kinh nghiệm từ người đi trước đã từng tham gia cuộc thi để hiểu hơn về chương trình.
3. Chương trình trao đổi nước ngoài:
Tham gia chương trình trao đổi sinh viên, bạn sẽ được học tập, sinh hoạt ngắn hạn (khoảng 1 tháng – 6 tháng) tại trường Đại học ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật bản, Mỹ, Canada, Singapore, các nước Châu Âu… Các loại hình trao đổi có thể là trao đổi văn hóa, trao đổi học thuật hoặc kết hợp cả hai.
Phạm vi: liên kết giữa trường Việt Nam với nước ngoài theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 trường; hợp tác giữa 2 nước, giữa các khu vực (ví dụ Đông Nam Á với Liên Minh Châu Âu)
Một số chương trình: đầu tiên là các chương trình được gửi đến khoa, trường của bạn (nên phần đầu mình có liệt kê đây là nguồn quan trọng đầu tiên mà bạn nên lưu tâm đến); ngoài ra còn có các chương trình nổi bật khác như ERASMUS tại Châu Âu, JASSO Student Exchange Support Program tại Nhật, SEED tại Canada, Global UGRAD tại Mỹ, SHARE Scholarship trong Đông Nam Á hoặc châu Âu, …
Cần chuẩn bị: để tham gia những chương trình này, bạn chắc chắn phải có nền tảng tiếng Anh, sẵn sàng 1 cuốn passport, học thêm kỹ năng phỏng vấn, và hãy nghĩ đến nước trong mơ bạn muốn đến ngay từ bây giờ nhé!
4. Giao lưu quốc tế:
Giao lưu quốc tế: là hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài. Thông thường sinh viên Việt Nam và nước ngoài sẽ tham gia thảo luận về một chủ đề nào đó cùng nhau (thường liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, các vấn đề nổi bật theo từng khu vực địa lý); bên cạnh đó, còn có các hoạt động để sinh viên các nước tìm hiểu văn hóa với nhau, giúp thúc đẩy quan hệ tình bạn giữa thanh niên các nước. Lúc này các bạn được thỏa thích kết nối, trải nghiệm văn hóa các nước cùng bạn bè quốc tế.
Nguồn tìm thông tin: CLB International Youth Club, website Thành Đoàn thành phố, website Trung ương Đoàn, YSEALI, … Nếu là sinh viên USSH, bạn có thể tham gia CLB International Exchange Club – IEC (CLB có nhiều hoạt động trao đổi đa dạng với sinh viên các nước từ Mỹ, Hàn, Nhật, các nước Đông Nam Á)…
Phạm vi: bạn có thể tham gia giao lưu chương trình trong nước, nước ngoài.
Cần trang bị: kỹ năng giao tiếp tiếng Anh là yêu cầu tối thiểu nếu bạn hứng thú với loại hình này, ngoài ra nếu bạn có một chút năng khiếu như ca hát, nhảy múa, đánh đàn, chụp ảnh, đồ họa,… sẽ là một điểm cộng lớn, mạnh dạn thể hiện năng khiếu của mình nha
5. Chương trình ngắn hạn:
Có thể phân làm nhiều loại hình khác nhau như: hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN), hội nghị ASEAN (MAS); các khóa học dành cho thanh niên (VIS – Vườn ươm liêm chính, Media Literacy – Thông hiểu thông tin, VSSD – Trường hè phát triển Việt Nam, VSSS – Trường hè Khoa học Việt Nam, Khóa học mùa hè V.Gen Station, ASOD – Khóa học Mùa thu về Phát triển, …); chương trình từ YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á), JENESYS (Japan-East Asia Network of Exchange for Students and Youths), chương trình trại hè Mỹ, Singapore, Thái Lan, …; Diễn đàn thanh niên kiến tạo, Làng kiến của CSDS; Vietnam Summer School của VEPR; Đại học không giảng đường.
Vị trí tham gia: bạn có thể tham gia với vai trò là Ban tổ chức, Đại biểu tham dự, Tình nguyện viên, Cộng tác viên, …
Cần trang bị: tùy theo tính chất chương trình, bạn cần chuẩn bị kỹ năng, kiến thức khác nhau. Nhưng thông thường, mình thấy hầu hết các chương trình đều yêu cầu trình độ tiếng Anh …
Vậy thì nếu bạn đã đọc đến đây, bạn sẽ hiểu được sức mạnh của tiếng Anh, bạn sẽ thấy yêu cầu tiếng Anh xuất hiện trong rất nhiều chương trình mình đề cập ở trên. Tiếng Anh mở ra cho chúng mình rất nhiều cơ hội! Vậy nên nếu bạn muốn trau dồi tiếng Anh, hãy bắt đầu ngay. Chưa bao giờ là muộn để học thêm ngoại ngữ để có thêm nhiều trải nghiệm tuyệt vời cho 4 năm đại học của mình.
6. Thực tập/Part-time
Nếu như các chương trình mình kể ở trên có thể cho bạn cơ hội học hỏi và học bổng hỗ trợ tài chính lên đến toàn phần (nghĩa là bạn không phải lo lắng chi phí ăn, ở, di chuyển khi tham gia chương trình), thì với công việc thực tập hay part-time, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm làm việc và kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống và chi trả cho những trải nghiệm khác của bản thân.
Bạn có thể tìm kiếm công việc ở các tổ chức: các tổ chức phi chính phủ, chương trình NGO Traineeship của tổ chức CSDS, các tổ chức phi chính phủ quốc tế như WWF, ASEAN Foundation, tập đoàn nước ngoài, công ty start-up, lãnh sự quán, đại sứ quán, cơ quan nhà nước, ….
Phạm vi: công việc trong nước, nước ngoài. Hiện nay, nhiều chương trình Internship quốc tế cho phép sinh viên Việt Nam đến đât nước khác tham gia hoặc thậm chí làm việc từ xa. Rất nhiều cơ hội cho các bạn trong thế giới phẳng như ngày nay.
Trong 4 năm Đại học, ít nhất 1 lần bạn nên trải nghiệm đi Thực tập hay Part-time như một nhân viên chính thức. Nó cho bạn cơ hội trải nghiệm môi trường công việc thực thụ, hành trang chuẩn bị sau khi tốt nghiệp Đại học, mình không bỡ ngỡ, có thêm kinh nghiệm làm việc, và quan trọng là đi đúng ngành hơn vì đã biết ngành yêu thích của mình là gì.
Ngay từ những ngày đầu mới nhập học, cô trưởng khoa đã khuyên sinh viên tụi mình nên đi làm từ năm Nhất. Đến bây giờ mình vẫn tin đó là một điều đúng đắn. Mình đã thử làm nhiều việc để biết mình có thích công việc A, B, C hay không; khi nhận ra công việc A không phù hợp, mình sẽ tìm công việc, hoạt động ngoại khóa khác để trải nghiệm tiếp. Nhờ vậy mà mình biết hướng đi sau khi ra trường là làm trong ngành giáo dục.
7. Dự án riêng: blog, kênh youtube, chụp hình, câu lạc bộ, …
Hoạt động này với mình rất thú vị, vì nếu bạn muốn tìm một lối đi riêng, thỏa mãn sở thích, đam mê cá nhân, bạn hoàn toàn có thể tự xây 1 dự án cho riêng mình. Tự tạo một kênh Blog, Youtube riêng, một câu lạc bộ, tổ chức hay chương trình giúp giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà bạn quan tâm. Và lúc đó bạn cũng có thể độc lập tuyển thành viên cho dự án của mình.
Kết
Quãng đời học Đại học là khoảng thời gian rất tuyệt vời để bạn trải nghiệm những điều thú vị về chính bản thân và cuộc sống xung quanh bạn. Tham gia hoạt động ngoại khóa chính là cách để thực hiện được điều đó. Kết thúc mỗi chương trình, ngoài giấy chứng nhận (Certificate) bạn sẽ được nhận, mình mong là bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích cho bản thân, đóng góp nhiều điều cho tổ chức và kết nối với nhiều người bạn/anh chị tốt. Chúc những năm tháng đại học của bạn thật tuyệt vời.
Nguồn:https://theemeraldnotes.com/tong-hop-cac-mo-hinh-hoat-dong-ngoai-khoa-danh-cho-hoc-sinh-va-sinh-vien/