Tình hình thị trường lao động 2023: Hai bức tranh không mấy khả quan

Tình hình thị trường lao động 2023: Hai bức tranh không mấy khả quan

Hai kịch bản do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) đưa ra cho thị trường lao động năm 2023 đều không mấy khả quan cho người lao động.

Hai kịch bản

Falmi đã xây dựng hai kịch bản thị trường lao động quý 1 và cả năm 2023 cho TP.HCM (dựa theo kịch bản kinh tế), thể hiện thị trường vẫn cần nhiều lao động, đặc biệt là người lao động đã qua đào tạo, có tay nghề.

Kịch bản thứ nhất là tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng bị chững lại trong ngắn hạn nhưng dự báo sức tiêu dùng trong nước mạnh hơn sẽ bù đắp vào phần này. Các doanh nghiệp vẫn duy trì nhu cầu tuyển lao động và có khoảng 280.000 – 300.000 chỗ làm việc cần tuyển người trong năm tới.

Kịch bản thứ hai là tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực hơn, doanh nghiệp tại TP.HCM có cơ hội nhận thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, nhu cầu lao động tăng, thu nhập của người lao động ổn định hơn. Tuy kịch bản này được xem là tích cực hơn kịch bản thứ nhất nhưng dự báo nhu cầu nhân lực năm tới cũng chỉ cao hơn chút so với kịch bản suy thoái: khoảng 300.000 – 320.000 chỗ làm việc.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nhiều doanh nghiệp bị giảm từ 30-40% đơn hàng, một số doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động để sản xuất đơn hàng đến Tết. Vì vậy, khó đoán được xu hướng tuyển dụng của năm tới vì các doanh nghiệp phục hồi nhiều hay ít tùy thuộc tình hình kinh tế thế giới, nhất là châu Âu.

Ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội), cho biết xu hướng tuyển dụng năm tới tập trung vào khu vực thương mại – dịch vụ, chủ yếu là việc làm thời vụ, bán thời gian: theo giờ, theo ngày, theo tuần hoặc chỉ kéo dài từ 1-3 tháng.

Các vị trí phổ biến là nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, vận chuyển hàng hóa… Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình nhận định: tình hình kinh tế thế giới năm 2023 còn khó khăn nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo dự báo của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng, tiếp sau là thương mại – dịch vụ như dịch vụ lưu trú – ăn uống, bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe cộ.

Vùng Đông Nam Bộ vẫn là khu vực có động lực tăng trưởng mạnh nhất, sau đó là khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung. Năm tới, Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng khoảng 28.000 lao động, Bắc Ninh trên 20.000 lao động, Vĩnh Phúc gần 13.000 lao động, Quảng Ninh trên 4.200 lao động…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Nguyễn Xuân Sơn, giám đốc vận hành toàn quốc khối dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động (Manpower Group), dự báo các doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong quý 1-2023. Năm mới, làn sóng sa thải nhân sự trong ngành thương mại điện tử sẽ tăng mạnh do sức mua hàng trực tuyến giảm sút. Ngược lại, nhu cầu tuyển dụng ngành du lịch, dịch vụ khách sạn nhà hàng, sức khỏe, giáo dục vẫn tăng trưởng nhất định.

“Người lao động có xu hướng tìm việc bán thời gian, linh hoạt hơn và mở rộng ra tất cả các ngành nghề nhằm có thu nhập ổn định: người trong lĩnh vực IT chấp nhận làm tài xế xe công nghệ, lao động trình độ cao chọn công việc không cần bằng cấp, miễn có thu nhập tốt. Việc dịch chuyển này sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến quý 3-2023”, ông Sơn đánh giá. Cũng theo ông Sơn, nếu tình hình kinh tế – chính trị thế giới lạc quan, không gặp thêm biến động lớn hơn thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ sôi động vào quý 2 hoặc quý 3-2023.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, nhận định thị trường lao động năm tới phụ thuộc hai chỉ báo quan trọng là tình hình thế giới và quyết sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Dự kiến lao động phổ thông trong năm tới sẽ bấp bênh vì kinh tế không phục hồi thì các ngành sản xuất, dịch vụ thu hẹp, không cần sử dụng nhiều lao động.

Song song là làn sóng chuyển đổi số diễn ra rất nhanh sau đại dịch, lao động phổ thông không có nhiều kỹ năng nên khi nhà xưởng gia tăng tự động hóa, máy móc làm thay, nhiều lao động dạng này sẽ không còn được cần tới.

Giảm lao động phổ thông, tăng lao động tay nghề

Theo Falmi, thị trường lao động cuối năm 2022 có xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, hóa dược, nhựa, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thị trường hiện đại, các cơ quan đào tạo nghề cần linh hoạt với sự thay đổi, người lao động phải chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin, kỹ năng, trình độ để tìm công việc làm lâu dài, bảo đảm ổn định cuộc sống.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng có thể xem đây là một cơ hội để thay đổi chất lượng lao động. Năm 2023 có khoảng 20 – 30% người lao động lớn tuổi, không thích hợp với môi trường làm việc cần nhiều kỹ năng và không có khả năng nâng cao tay nghề.

“Nhiều quốc gia đã từng trải qua thời kỳ giống như Việt Nam hiện tại khi chuyển từ các ngành nghề thâm dụng lao động sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Chính quyền giải quyết bằng cách đào tạo kỹ năng mới cho người lao động nhằm giúp họ nhanh chóng tìm được công việc phù hợp”, ông Lộc lưu ý.

Theo một chuyên gia về lao động tại TP.HCM, chính quyền chuyển những nhà máy thâm dụng lao động từ đô thị lớn về các tỉnh như hiện nay không phải là cách giải quyết vấn đề triệt để. “Những xưởng gia công hàng may mặc, giày da vẫn còn trên đất nước Việt Nam, sẽ tạo ra tiếp những thế hệ lao động phổ thông tay nghề thấp như cha, mẹ, anh, chị họ và Nhà nước lại tiếp tục giải quyết bài toán này. Xa hơn nữa, những người không có tay nghề ra khỏi các nhà máy sẽ chọn công việc phi chính thức, mà số lượng lao động phi chính thức cao sẽ gây nguy cơ khủng hoảng xã hội lớn”, chuyên gia này nhận định.

Ông Nguyễn Đức Lộc cho rằng Nhà nước hạn chế tiếp nhận đầu tư những ngành nghề gia công, thâm dụng lao động, phải chuyển dịch sang phân khúc cao hơn. Ví dụ những ngành nghề gia công thì chuyển đổi sang làm marketing, thiết kế sản phẩm hay những ngành công nghiệp phụ trợ khác. Người lao động được đào tạo kỹ năng để họ có thể tiếp cận với ngành nghề mới. “Năm 2023 và những năm tới sẽ là cơ hội để Nhà nước đào tạo lại, tính toán lại nhân lực quốc gia cho một kỳ phát triển mới”, ông Lộc nói.

Nhiều người muốn đi học nhưng chỉ có vài người được hỗ trợ

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội năm 2022 trên 400 lao động cho thấy tỉ lệ người lao động muốn học nâng cao tay nghề theo trình độ là: 100% người lao động có trình độ từ cấp II trở xuống, 83,3% người lao động có trình độ cấp III và 87,5% cho người có trình độ trung cấp.

Việc học thêm để nâng cao trình độ đối với người lao động có rất nhiều khó khăn cụ thể: không có thời gian để học (79,5%), lớn tuổi nên khó tiếp thu kiến thức (53,5%), khó khăn về kinh tế (52,3%), người lao động cảm thấy mệt mỏi khi đi học (25,8%), không có nhiều động lực để học tập (11%) hay lo lắng về đầu ra của việc học (6,3%).

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết năm 2022 trên địa bàn TP.HCM chỉ có 288 người lao động ở hai đơn vị được tái đào tạo nghề với số tiền hỗ trợ đào tạo lại khoảng 1,5 tỉ đồng.

Viện Nghiên cứu đời sống xã hội nhận định trong thời gian gần đây, lao động giản đơn ở Việt Nam có xu hướng giảm, lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2018, tỉ trọng lao động giản đơn tại Việt Nam đã giảm từ 40,8% (năm 2013) xuống 37,5% (năm 2017).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM thì cho biết tổng số lao động làm việc trong khu vực nghề đơn giản tại Việt Nam năm 2019 đã giảm 4% so với năm 2015. Một tài liệu khác dự báo đến năm 2025, lao động giản đơn tại Việt Nam chỉ còn 28,5%.

Hàng chục ngàn lao động ăn Tết sớm

Tại TP.HCM, gần 1.200 công nhân giày da tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (Bình Tân) bị thôi việc từ ngày 1-12 do công ty thu hẹp quy mô sản xuất và không có đơn hàng. Toàn TP có 2.800 lao động bị thôi việc trong dịp cuối năm.

Từ tháng 7 đến tháng 11-2022, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 37.000 lao động phải nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng. Riêng thị xã Tân Uyên có khoảng 150 công ty với 150.000 công nhân nghỉ Tết từ đầu tháng 1-2023. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp khác giảm giờ làm, nghỉ luân phiên làm ảnh hưởng đến khoảng 240.000 người.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng có đến 125.000 lao động bị giảm thu nhập do thiếu giờ làm và 15.000 lao động có nhu cầu về quê sớm. Số lượng lao động tuyển dụng cuối năm 2022 cũng chỉ bằng 10% năm trước.

Nguyên nhân khiến nhu cầu tuyển dụng giảm đột biến do doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ, điện tử. Những doanh nghiệp khác tuy không cho công nhân nghỉ hẳn nhưng mỗi tuần chỉ làm việc 3-4 ngày, hưởng lương cơ bản.

Theo số liệu thống kê của các cấp công đoàn ở TP.HCM, có hơn 108.000 lao động bị giảm giờ làm, mất việc do nhà máy thiếu đơn hàng. Từ tháng 9 đến tháng 11-2022, cả nước có khoảng nửa triệu người lao động bị giảm giờ làm.

Nguồn: Hà Quân, A.Lộc, K.Yên – Nguồn: cuoituan.tuoitre.vn

Liên hệ quảng cáo
PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên
Địa chỉ: 56 Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức, TP.HCM
E-mail: quanhedoanhnghiep@hub.edu.vn
Điện thoại: (028) 38971633