Nhà Tuyển Dụng Cần Gì Ở Sinh Viên Mới Ra Trường?

Trong số những bạn đọc bài viết này, chắc chắn các em mang nhiều tâm thế khác nhau. Sẽ có những bạn sinh viên vừa ra trường nhưng phỏng vấn trượt liên tục, cũng có những bạn phỏng vấn trơn tru nhưng lại chỉ đậu những việc mà mình không thật sự thích và tất nhiên có rất nhiều sinh viên vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường và lo lắng về công việc tương lai của mình.

 

Ai cũng mong muốn mình có được một công việc tốt, vậy làm thế nào để đạt được điều đó?

Người ta thường nói vui rằng phỏng vấn việc làm giống như kiểu bán mình cho công ty, ai quảng cáo bản thân tốt thì sẽ được mua với mức giá tốt, ai cung cấp những thông tin mà người mua không quan tâm hoặc không thích thì tất nhiên sẽ dễ bị từ chối. Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu xem nhà tuyển dụng muốn gì, điều này giống với việc tìm hiểu xem khách hàng của mình cần gì. Dưới đây là 5 ước muốn nhỏ nhoi của đa số nhà tuyển dụng:

1. Nhà tuyển dụng cần tìm ứng viên phù hợp văn hoá công ty

Số lần các em đi phỏng vấn thật ra chẳng thấm thía gì so với số lần nhà tuyển dụng nói chuyện với ứng viên. Trong quá khứ, chắc chắn họ đã rất nhiều lần trải qua việc ứng viên vào làm một vài buổi rồi xin nghỉ vì thấy không phù hợp với văn hoá công ty. Đó có thể do họ sơ suất, cũng có thể do ứng viên chém gió quá chuyên nghiệp, nhưng kết quả thì không tốt cho cả hai, ai cũng mất thời gian vô ích. Vì thế, khi phỏng vấn, các em cần phải trung thực, đặc biệt là với các câu hỏi về sự phù hợp văn hoá.

Nếu cảm thấy văn hoá công ty không phù hợp với mình thì hãy thẳng thắn say goodbye, chẳng có gì phải tiếc nuối, dù họ trả mức lương cao. Vì sao, vì nếu công ty A chịu trả cho mình 10 triệu thì mình hoàn toàn có thể “bán” mình cho một công ty khác với mức lương tương ứng.

Vì thế, trước khi phỏng vấn, sinh viên mới ra trường cần xác định rõ các quan điểm về công việc của mình như: Giờ giấc làm việc, môi trường làm việc và các đãi ngộ tối thiểu mà mình cần. Đừng để đến lúc người ta hỏi thì lại ấp úng trả lời đại, rồi về nhà suy nghĩ lại và tự chửi mình bị điên khi trả lời không đúng điều mình muốn.

Một lưu ý nhỏ nữa là trong lúc chờ phỏng vấn, các em hãy quan sát kỹ môi trường công ty, xem các nhân viên ở đó làm việc thế nào, có happy không, có tập trung không, có thường xuyên trao đổi công việc không, có hay chạy ra chạy vào không,… Từ những sự việc nhỏ đó, các em sẽ dễ dàng xác định được mình có thích làm việc ở môi trường đó không.

2. Nhà tuyển dụng cần ứng viên có thể sáng tạo và dám nói lên quan điểm bản thân

Chắc chắn ai cũng có thể sáng tạo, kể cả sinh viên mới ra trường, hãy nhớ lại xem mình từng có sáng kiến gì trong quá khứ? Đó có thể là sáng tạo trong một bài thuyết trình, trong cách trả lời câu hỏi khi đi thi, trong cách xử lý tình huống khi sinh hoạt CLB hoặc trong công việc part-time mà các em từng làm. Tốt nhất, các em hãy nhớ lại kỹ các tình huống sáng tạo của mình, đến lúc được hỏi, hãy trả lời một cách tự nhiên và chân thật nhất, đừng cố chế ra một tình huống nào đó, vì chỉ cần nhà tuyển dụng hỏi sâu thêm vài câu thì các em sẽ bị bại lộ.

Bên cạnh đó, các em cũng cần nhớ lại các tình huống mà mình mạnh dạn nói lên quan điểm của bản thân, có thể đó là quan điểm được ủng hộ, mang lại kết quả tích cực trong học tập, công việc. Đó cũng có thể là quan điểm bị mọi người bác bỏ, không thể thực hiện. Tất cả đều nói lên việc các em tự tin, biết đóng góp và rút kinh nghiệm, nhà tuyển dụng cần một người như thế hơn là một bạn ngại nói lên quan điểm vì sợ sai, sợ bị chỉ trích.

3. Nhà tuyển dụng cần ứng viên có khả năng làm việc nhóm, nếu biết lãnh đạo nhóm thì quá tốt

Đây chính là lý do vì sao lên đại học thầy cô lại yêu cầu các em làm việc nhóm rất nhiều. Đó chính là cơ hội quý giá để các em rèn luyện kỹ năng hoà hợp với mọi người, nhận ra thế mạnh của bản thân và tìm thấy sức mạnh của tập thể.

Nếu vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, các em nên tích cực làm việc nhóm, thường xuyên thay đổi vai trò để sớm nhận ra điểm mạnh của mình. Chẳng hạn như môn A tìm nội dung, thì môn B sẽ chuyển sang team thuyết trình, môn C làm trưởng nhóm.

Nếu có khả năng lãnh đạo nhóm, đó chính là yếu tố để sinh viên mới ra trường ghi được điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì sao? Vì ai cũng muốn mang về cho bằng được một ứng viên có tiềm năng làm manager hoặc thậm chí là director tương lai. Sau này công ty trống vị trí manager, thay vì mất công tuyển dụng từ bên ngoài, nhà tuyển dụng sẽ chỉ cần đề bạt những ai có tiềm năng trong nội bộ công ty.

4. Nhà tuyển dụng cần ứng viên từng dám làm những điều mình thích, những thứ mình gọi là đam mê

Nếu các em nói mình thích marketing, thích design, thích học tiếng Anh,… nhưng trên thực tế em chưa từng thử làm điều gì liên quan tới nó, thậm chí thử đọc sách, báo, tài liệu, video hướng dẫn về nó thì tất cả chỉ là lời nói sáo rỗng. Thậm chí, điều này còn khiến nhà tuyển dụng hoài nghi rằng tất cả những gì tốt đẹp mà em từng nói về mình đều chỉ là lời nói suông. Cuộc phỏng vấn chắc chắn sẽ kết thúc sớm vì họ chẳng muốn khai thác điều gì ở em nữa. Điều mình thích mà mình còn chưa làm thì các em khó có thể đối mặt với những điều mình không thích.

Sau này đi làm, các em sẽ nhận ra điều ấy, không phải mình chỉ cần làm điều mình thích thôi đâu, sẽ còn nhiều gian nan, thử thách ở phía trước. Vì thế, nhà tuyển dụng cần ứng viên có được điều cơ bản nhất, đó là từng dám làm điều mình thích, để các em dễ dàng thích nghi với những thử thách sau khi nhận việc.

5. Tất nhiên nhà tuyển dụng cũng cần ứng viên có kiến thức, kỹ năng chuyên môn

Ở đây, nhà tuyển dụng cần sinh viên mới ra trường làm được việc, điều này thể hiện qua những kinh nghiệm trong quá khứ, những kiến thức các em học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, trước khi phỏng vấn, các em cần tìm hiểu kỹ xem công việc mình sẽ phải làm ở vị trí ứng tuyển là gì. Từ đó, các em sẽ đánh giá xem mình có phù hợp không, cần reivew lại kiến thức gì, cần nhớ lại những kinh nghiệm gì liên quan đến công việc đó trong quá khứ. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu các em thuật lại điều ấy.

Song song đó, các em cũng đừng quên nhắc đến các lời khen của thầy cô, của sếp cũ, các thành tích, các cuộc thi mà mình từng tham gia có liên quan đến công việc. Đó chính là vũ khí bí mật để ghi điểm trong mắt họ.


“Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?” – Vậy là chúng ta vừa điểm qua 5 điều cơ bản mà hầu như tất cả nhà tuyển dụng đều mong muốn ở sinh viên mới ra trường. Đó là những điều mà các em buộc phải làm được nếu muốn có một công việc phù hợp và một mức lương cao. tin chắc rằng các em đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích cho bản thân sau khi đọc bài viết này. Tất nhiên, để rèn luyện những điều trên không phải chỉ trong một sớm một chiều, các em cần nhiều trải nghiệm, có khi lại tiếp tục rớt phỏng vấn vài lần, rồi lại rút kinh nghiệm, lại đọc bài này xem mình còn thiếu sót ở đâu để kịp thời sửa chữa.

Nguồn: https://tutinvaodoi.vn/nha-tuyen-dung-can-gi-o-sinh-vien-moi-ra-truong/

Liên hệ quảng cáo
PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên
Địa chỉ: 56 Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức, TP.HCM
E-mail: quanhedoanhnghiep@hub.edu.vn
Điện thoại: (028) 38971633