CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn nhân lực lĩnh vực dịch vụ du lịch cần đáp ứng chuẩn quốc tế. (Ảnh: Bình Minh)
Đòi hỏi về những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, định hình mô hình phát triển đất nước theo hướng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại (năm 2030) và là nước phát triển (năm 2045), trong đó một lần nữa nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược và đã nêu rõ định hướng đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.
Thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở nước ta với quy mô đến năm 2025 hơn 60 triệu người, trong đó hơn 70% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới.
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh, tác động mạnh mẽ, sâu rộng, đa chiều đến mọi quốc gia, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh quốc gia. Kinh tế số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý, tổ chức, vận hành thị trường lao động, mô hình việc làm, đào tạo nâng cao chất lượng lao động,…
Bên cạnh đó, đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững (tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm) đòi hỏi tạo thêm nhiều việc làm mới, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách nhân lực qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra nhanh, sâu rộng. Cho đến hết năm 2020, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định Tự do thương mại đa phương và song phương và đang đàm phán 2 Hiệp định khác. Trong đó, có các Hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động việc làm trong thời gian tới.
Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội, môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện là môi trường tốt để các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Bên cạnh những cơ hội, thị trường lao động Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức như: vấn đề già hóa dân số; khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế chính trị toàn cầu; trình độ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chưa cao; tác động của quá trình chuyển đổi số; chưa kể, các nguy cơ bất ổn truyền thống và phi truyền thống từ bên ngoài…
Tăng cường thông tin tính ổn định, minh bạch của thị trường lao động Việt Nam
Để vượt qua được thách thức, cụ thể hóa các cơ hội thành những kết quả cho thị trường lao động Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, trước mắt cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước rằng: Thị trường lao động Việt Nam ổn định, minh bạch, hệ thống giáo dục Việt Nam kết nối, hội nhập quốc tế đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước, các doanh nghiệp phối hợp với Việt Nam hình thành mạng lưới thông tin thị trường lao động, cung cấp kịp thời các thông tin "đặt hàng" về nhu cầu nhân lực để Việt Nam có kế hoạch và giải pháp huy động hệ thống, liên kết vùng đảm bảo cung ứng theo quy mô, chất lượng, tiến độ, kế hoạch của nhà đầu tư. Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam gắn với đào đạo để đáp ứng được yêu cầu.
Một giải pháp rất quan trọng khác đó là tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, cơ bản là đẩy mạnh truyền thông (nâng cấp ứng dụng chọn nghề với 5 thứ tiếng Anh, Việt, Hàn, Nhật, Trung), làm tốt phân luồng học sinh sau trung học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo (triển khai nhanh chính sách đào tạo, đào tạo lại theo QĐ 1446/QĐ-TTg); có chính sách thẻ/hoặc tín dụng ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong gắn kết với doanh nghiệp (vấn đề người dạy trong doanh nghiệp)…
Về lâu dài, theo nhận định của các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; xây dựng cơ chế, tiêu chí giám sát đánh giá các hoạt động phát triển thị trường lao động để làm cơ sở đánh giá năng lực quản trị thị trường lao động của các chính quyền địa phương, đánh giá sự hoạt động các yếu tố phát triển thị trường.
Cùng với đó, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù (thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ,…); xây dựng bản đồ công nghiệp của Việt Nam để xác định các chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng phục vụ khai thác, phân bổ, sử dụng lao động trên toàn quốc, tận dụng hiệu quả nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế xã hội; có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.
Các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực cũng cần tính tới bao gồm: Khẩn trương triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời trong cộng đồng, trong công nhân lao động; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền và liên kết vùng miền hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học; đẩy mạnh mô hình đào tạo chất lượng cao. Tiếp nhận, chuyển giao và nghiên cứu nhân rộng hiệu quả các bộ chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; xây dựng các chuẩn đào tạo để thống nhất sử dụng trong đào tạo và trong đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho công nhân lao động; quy định cụ thể đối với các ngành nghề, công việc phải sử dụng lao động qua đào tạo; xây dựng chính sách tuyển dụng, trả lương, tiền công theo kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động.
Đi kèm với đó cần nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động và triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia, phần mềm kết nối cung – cầu về lao động.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; đa dạng hóa và ứng dụng công nghệ số trong việc cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác thống kê, dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho CNTT, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia, phần mềm kết nối cung – cầu về lao động…
nguồn: https://ictvietnam.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cho-phat-trien-thi-truong-lao-dong-viet-nam-19644.html